Có 2 khu vực được xây tối đa tới 45 tầng và 50 tầng theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội.
Ngày 27/5, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội”.
Theo Quyết định về việc Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, quy chế được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Quy chế quy định rõ về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, số tầng cao, chiều cao tối đa cho phép; về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng; về kiểm soát dân số…
Khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình bao gồm: Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu phố cổ, Khu phố cũ, Khu vực Hồ Gươm và phụ cận, Khu vực Hồ Tây và phụ cận, Khu vực hạn chế phát triển.
Các vị trí cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng gồm có: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị. Khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…
Quy chế nêu rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng.
Nhiều tuyến phố trong khu vực phố cổ không được phép xây dựng nhà cao tầng như: Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, một số đoạn trên đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lò Đúc, Pháo Đài Láng… Một số điểm hạn chế chiều cao như đầu đường Lê Duẩn tối đa 9 tầng, phố Hào Nam, Thái Hà, Chùa Bộc tối đa 13 tầng.
Một số điểm nhấn được phép xây dựng cao tối đa tới 39 tầng (tương đương 140m) gồm phía Tây đường Nguyễn Khoái (đoạn từ nút giao đường Minh Khai tới nút giao đường Vĩnh Tuy); Và một số vị trí nút giao của đường vành đai 2 –Hoàng Hoa Thám-Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy-La Thành-Bưởi-Láng, Nguyễn Chí Thanh-Láng, Tây Sơn-Láng Trường Chinh-Đại La.
Đặc biệt, khu nội đô lịch sử chỉ có duy nhất 2 vị trí được xây dựng quá 39 tầng, đó là Khu vực triển lãm Giảng Võ (Vinhomes Giảng Võ) cao tối đa 50 tầng (tương đương 180m) và Khu vực ô đất 29 Liễu Giai (Vinhomes Liễu Giai Metropolis) cao tối đa 45 tầng (tương đương 162m). Được biết, cả 2 lô đất này hiện đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup.
Theo quy chế, các công trình cao tầng điểm nhấn phải được Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố thông qua.
Các trường hợp khác với quy định này, ngoài vị trí và vượt quá quy mô cho phép sẽ do UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Quy chế cũng quy định rõ chức năng, trách nhiệm của các sở, ngành trong việc quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 14/4/2016.
Theo Hồng Khanh (Vietnamnet)