Thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự khởi động đầy khí thế với việc các DN rầm rộ công bố, hợp tác, mở bán dự án.
Trong hơn 3 tuần qua, những "tin xấu" liên tiếp đến với thị trường BĐS. Trước tiên là dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, kế đến, Ngân hàng Nhà nước quyết định dừng ký hợp đồng tín dụng mới đối với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, những động thái này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư, giới đầu cơ, thậm chí ngay cả đối với những người có nhu cầu thật.
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh sôi động mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Việt Tâm
Còn theo ông Đinh Duy Trinh – Giám đốc điều hành Công ty BĐS Bản Việt Land, mặc dù việc sửa đổi Thông tư 36 mới chỉ là "dự thảo", nhưng hiện tại khách hàng đã có tâm lý dè chừng trong việc mua BĐS. Bằng chứng là, thị trường đã chùng hẳn xuống, thanh khoản chậm, bản thân các DN địa ốc cũng đang phải "ném đá dò đường" trước khi quyết định đầu tư các dự án mới. Vì vậy, theo ông Đinh Duy Trinh, thị trường diễn biến ra sao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tín dụng BĐS có bị siết lại theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước hay không.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia cho rằng, niềm tin về một năm "bùng nổ" của thị trường BĐS đang có nguy cơ đổ vỡ. Thậm chí, trước khi những vướng mắc về tín dụng được khơi thông, thị trường có khả năng sẽ "đóng băng" trong ngắn hạn.
Vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Mặc dù thừa nhận nhận về “những dự cảm không tốt lành” đối với thị trường BĐS trong thời gian tới. Nhưng, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Dương Minh Tiến – Giám đốc Kinh doanh Công ty BĐS Danh Khôi cho rằng, cơ hội vẫn đang rộng mở đối với BĐS, đặc biệt là sản phẩm nghỉ dưỡng hướng biển, khi mà dòng tiền đổ vào phân khúc này đang tăng khá mạnh.
Trong khi đó, sau khi thoát đáy khủng hoảng, thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ phục hồi mới, nhiều nhà đầu tư có năng lực thực sự cùng những nhân tố mới có đẳng cấp và trình độ cao hơn đã xuất hiện. Bên cạnh đó, sự hồi phục của nền kinh tế vĩ mô, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt, nhu cầu thật của người dân đang tăng mạnh chính là cơ hội đối với BĐS. "Mặt bằng chung lợi tức từ việc cho thuê nhà hiện nay đang nằm ở mức khá hấp dẫn, khoảng 5%. Do vậy, trong thời gian tới, người dân và nhà đầu tư vẫn sẽ chọn BĐS là kênh đầu tư chính” – ông Tiến nhận định đồng thời cho rằng, những BĐS đáp ứng nhu cầu thật và khả năng đầu tư của đa số người dân với mức giá hợp lý vẫn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu.
Chuyên gia nhận định:
Điều chỉnh chính sách cần có lộ trình
Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn và đặc biệt là cho vay đối với BĐS – đó là nhận định của TS Bùi Quang Tín – Giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh.Theo TS Bùi Quang Tín, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nhằm cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều chỉnh từ 60% xuống 40% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn và đặc biệt là cho vay đối với BĐS, từ đó tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo..
Trên cơ sở báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại lớn, được công bố trên website của các ngân hàng này, nguồn vốn huy động trung dài hạn chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng nguồn huy động (90% nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn). Do đó, nếu điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, bởi "room" còn lại để cho vay đối với BĐS sẽ không còn nhiều. Trong ngắn hạn, điều này sẽ khiến tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức thận trọng hơn, và ít nhiều ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng trưởng trong cả năm 2016 từ 18 – 20%. Mặt khác, việc nâng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% là gián tiếp giới hạn nguồn vốn của ngân hàng đầu tư vào thị trường BĐS, trong khi thị trường BĐS vừa mới hồi sinh, đang trên đà phát triển và chưa có dấu hiệu “bong bóng”; vô tình gây ra sự chèn ép dòng chảy tín dụng vào thị trường, thu hẹp cơ hội cho sự tăng trưởng trong dài hạn của thị trường trong thời gian tới.Do vậy, việc điều chỉnh chính sách có liên quan đến BĐS cần có lộ trình và cùng lúc nên phối hợp với các bộ, ngành khác để phát triển đồng bộ các thị trường khác trong hệ thống tài chính tại Việt Nam, từ đó giúp chia sẻ gánh nặng về nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế và đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính tại Việt Nam.
Gia Việt lược ghi
Nguồn: Kinh tế Đô thị.
Link: kinhtedothi.vn/bat-dong-san/thi-truong/2016/04/8103307B/bat-dong-san-van-la-kenh-dau-tu-hap-dan/